10 nguyên tắc tài xế cần nằm lòng khi chở trẻ em

ThinkstockPhotos 815352734 1665 1638929396

Cần cho trẻ ngồi ghế riêng, thắt dây an toàn, dạy trẻ không được tự ý mở cửa từ bên trong và không cho trẻ ngồi trên lòng tài xế.

Trẻ em ở Việt Nam thường được bố mẹ khá cưng chiều khi đi ôtô như đứng, ngồi tùy ý, thậm chí nhảy nhót trên xe, mở cửa sổ… gây mất an toàn. Dưới đây là những điều quan trọng mà các chuyên gia lái xe khuyên các tài xế cần nhớ khi cho con đi ôtô.

1. Với trẻ nhỏ chưa thể tự chủ hành vi, nhất thiết phải ngồi trên ghế dành riêng cho trẻ em, kết nối với móc an toàn trên xe. Nếu xe không có móc an toàn, cần có người lớn bế, giữ trẻ để kiểm soát hành động của bé.

2. Tài xế không được bế trẻ trong lòng khi đang lái xe. Nếu gặp tình huống bất ngờ xảy ra tai nạn, em bé sẽ là người chịu tổn thương đầu tiên.

3. Với những trẻ đã lớn, có thể ngồi ghế trên xe, cần thắt dây an toàn. Cần dạy cho trẻ biết cần ngồi yên, không tự ý di chuyển vị trí.

4. Vị trí ngồi của trẻ phải là vị trí cửa đã khóa trẻ em để trẻ không thể tự ý mở cửa khi ngồi ở trong xe. Tốt nhất tài xế nên khóa cửa xe và khóa cả điều chỉnh kính lên xuống.

5. Tuyệt đối không cho trẻ thò tay, đầu ra khỏi cửa sổ, không cho trẻ tự ý ấn vào các phím chức năng trên xe. Tài xế thường xuyên quan sát, trò chuyện để trẻ không táy máy việc khác.

6. Đối với trẻ đã hiểu những gì bố mẹ truyền đạt, thường ở ngưỡng khoảng 5 tuổi trở lên, cần dạy cho trẻ những mối nguy hiểm có thể xảy ra khi đi ôtô như mở cửa gây tai nạn cho người khác, ngã về phía trước khi xe phanh gấp nếu không ngồi yên vị.

7. Người lớn phải luôn quan sát các hàng ghế trước khi ra khỏi xe để không bỏ quên trẻ trong xe. Cũng với trẻ tầm tuổi trên, cần hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cơ bản để ra khỏi xe hoặc thông báo cho người khác khi bị nhốt, bỏ quên trên xe như mở lẫy cửa từ trong, bấm còi, đèn cảnh báo.

8. Luôn khóa cửa khi đỗ xe trong sân nhà, nơi trẻ hay chơi. Đã có nhiều trường hợp trẻ chui vào xe, khóa cửa và không biết cách thoát ra ngoài nên thiệt mạng vì thiếu không khí.

9. Lái xe ở tốc độ vừa phải, tránh đạp thốc ga, phanh gấp, nên lên ga từ từ, giảm ga cũng tương tự như vậy, tránh trẻ bị sốc, dễ lao đầu về trước, sau hoặc gây buồn nôn cho trẻ, tạo nên tâm lý sợ đi ôtô.

10. Cuối cùng, nên xác định một lộ trình phù hợp. Trẻ em dễ chán nản, sinh cáu gắt nên duy trì trạng thái ngồi ôtô lâu. Vì thế nên chọn lộ trình có các điểm dừng nghỉ phù hợp để trẻ thay đổi trạng thái. Có thể mang theo một vài món đồ chơi thủ công cầm tay (tránh đồ chơi điện tử) để trẻ thư giãn trên xe.

Ánh Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *